Người Hmông đến Việt Nam từ khoảng thế kỉ XVIII, cư trú chủ yếu ở vùng cao, biên giới, nơi núi non hiểm trở, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển của một số loại cây đặc sản, chăn nuôi gia súc, nhưng ít đất nông nghiệp. Họ canh tác trên nương, trồng ngô, lúa, rau, đậu, lanh, bông; chăn nuôi và thủ công nghiệp gia đình khá phát triển. Kỹ thuật khoan nòng súng kíp của người Hmông nổi tiếng. Trước đây, cây thuốc phiện đã đem lại nguồn thu nhập quan trọng cho các gia đình.
Bản là công xã láng giềng, nhưng các quan hệ dòng họ vẫn giữ vị trí quan trọng. Những người cùng một họ có thể sinh đẻ hay chết tại nhà nhau mà không cần kiêng cữ. Người Hmông theo chế độ gia đình phụ hệ. Nam nữ lựa chọn người yêu trong số những người không cùng họ. Tục "kéo vợ" còn được duy trì ở nhiều nơi.
Dân tộc Hmông ở Việt Nam có 4 nhóm chính: Hmông Trắng, Hmông Xanh, Hmông Hoa, Hmông Đen. Mỗi nhóm có sắc thái địa phương riêng thể hiện ở tiếng nói, một số phong tục tập quán và trang phục nữ.