Làng Lụa Vạn Phúc (hay còn gọi là làng lụa Hà Đông) thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km, nằm ven con sông Nhuệ. Vạn Phúc là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng và lâu đời nhất Việt Nam. Mặc dù quá trình đô thị hóa ngày càng rõ rệt nhưng làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được những nét đặc trưng vốn có của vùng quê Việt Nam: Cây đa cổ thụ, giếng nước và những phiên chợ chiều họp ở sân Đình.
Lụa Vạn Phúc đã có từ hàng ngàn năm trước, vào thời nhà Nguyễn từ vua Khải Định đến Vua Bảo đại đều sử dụng lụa Vạn Phúc để may quốc phục triều đình.
Năm 1931 lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được giới thiệu ra trường quốc tế ở hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất của vùng Đông Dương, năm 1958 lụa Vạn Phúc xuất sang các nước Đông Âu và rất được ưu chuộng và đến nay đã đi qua rất nhiều nước trên thế giới.
Nó nổi tiếng đến mức mà nhà thơ Nguyên Sa phải viêt lên những câu thơ để ca ngợi:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Năm 2007, bộ phim Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh ra mắt, bộ phim này đạt được giải thưởng tại một số liên hoan phim danh tiếng của châu Á
Không khó để nhận ra ngôi làng nằm bên bờ sông Nhuệ với chiếc cổng chính mang dòng chữ “Làng Vạn Phúc”, ngày nay nó được xây dựng khang trang hơn để đón tiếp khách du lịch đến tham quan, tuy nhiên những nét truyền thống của vùng quê Việt nam vẫn còn được gìn giữ như mái ngói đỏ au, mái đình có hình lưỡng long chầu nguyệt, có chim phượng bay lên ở bốn góc mái đình uốn cong.
Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu mã đa dạng, khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh với nhiều tên gọi khác nhau như: băng hoa, long phượng, mây bay, tứ quế, sa trơn, the trơn, đũi hoa, vân thọ đỉnh… Hoa văn có bốn loại: động vật, thực vật, đồ vật, hình họa . Động vật thể hiện các hình tượng tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long song phượng, long vân, long hý thủy, phượng trong mây, phượng ngậm cuốn thư, rùa ngậm cuốn thư, song hạc, ngũ phúc, quần ngư vọng nguyệt. Thực vật gồm: cúc, trúc, mai, lan, hoa chanh, hoa hồng. Đồ vật: cuốn thư, đồng tiền, lẵng hoa, bình cổ, đèn lồng. Hình họa: chữ thọ, triện, vạn, quả trám, hình vuông. Tất cả hình dạng hoa văn trên lụa Vạn Phúc được trí tưởng tượng phong phú, bàn tay tài hoa nghệ nhân dệt thành sản phẩm độc đáo, thể hiện sức sáng tạo tinh tế, giàu thẩm mỹ.
Kéo sợi
Đây là một trong ít ỏi những xưởng dệt cổ còn xót lại của làng, nếu đến thăm làng lụa Vạn Phúc thì quý khách nên ghé vào khu giới thiệu quy trình dệt lụa, nó nằm ngay cổng làng để chiêm ngưỡng.
Ngoài khám phá quy trình dệt lụa, quý khách có thể dễ dàng lựa chọn những sản phẩm từ lụa các khu trưng bày và bán sản phẩm.
Một trong những địa chỉ uy tín nhất và nổi tiếng nhất là xưởng dệt lụa tơ tằm của nghệ nhân Triệu Văn Mão, cửa hàng lụa Vạn Xuân.
Hoặc đến khu chợ lụa Vạn Phúc, ở nơi đây bạn có thể tha hồ lựa chọn những sản phẩm ưng ý nhất.
Du khách nước ngoài khi đến thăm quan cũng rất thích thú với những sản phẩm này. Nếu đến tham quan vào dịp lễ hội, Khách du lịch được tham gia vào lễ hội cổ truyền, trò chơi dân gian, tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân làng nghề. Đây là cơ hội để bạn bè quốc tế biết đến với những nét truyền thống, hiểu hơn về con người, quảng bá hình ảnh Việt nam trên trường quốc tế.
Chất liệu lụa Hà Đông cũng được sử dụng nhiều để may quốc phục, những tà áo dài Việt Nam làm tôn lên vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng và thanh lịch.
Trên đây là những thông tin hữu ích mà Vietunique muốn chia sẻ với các bạn về Làng lụa Vạn Phúc.
Nếu bạn yêu thích, muốn tìm hiểu và trải nghiệm cùng Vietunique, chúng tôi xin giới thiệu cho bạn chương trình Tour Du lịch làng nghề. Ngoài Làng lụa Vạn Phúc, quý khách còn được tham quan Làng Gốm Bát Tràng và làng rắn Lệ Mật - hai trong số ít làng nghề truyền thống còn gìn giữ đến ngày nay ở Hà Nội.